BM Cảnh Quan Hoa Viên ĐH Nông Lâm TP.HCM

 

 

Layơn được ưa chuộng vì hoa có dáng đẹp, cành dài, cánh mỏng như vành khuyên nhìn rất hấp dẫn và hoa tươi rất lâu, cắm vào nước có thể tươi từ 10-15 ngày. Cây hoa Layơn có dạng thân thảo, thân giả được kết bởi các bẹ lá xếp chồng lên nhau, bẹ lá trước xếp phủ lên bẹ lá sau.

Một số đặc điểm thực vật học

       Layơn có tên khoa học là Gladiolus communis Lin. Cây có nguồn gốc từ các nước châu Phi nhiệt đới và vùng Trung Cận Đông (phía Tây của châu Á). Layơn là loài hoa đẹp, được trồng rất rộng rãi mọi nơi trên thế giới, với nhiều dạng lai, màu sắc khác nhau.  Trên thế giới hiện có khoảng 250 loài với trên 10.000 giống khác nhau, Việt Nam ta có khoảng 90 giống đang được trồng làm hoa cắt. Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam trong những năm qua đã xây dựng được quy trình tạo giống bằng lai hữu tính. Bước đầu Viện đã lai tạo thành công 2 giống Layơn ĐL1 và ĐL2, đồng thời tạo rất nhiều nguồn vật liệu phục vụ công tác lai tạo cho những năm tới đây.

Kỹ thuật trồng Layơn thương phẩm

       Có hai cách trồng Layơn là trồng trong chậu và trồng ngoài đồng ruộng. Mục đích trồng chậu là để trưng bày giống, bảo tồn giống quý hiếm, hoặc để tạo giống mới. Muốn trồng với mục đích thương phẩm thì nên trồng ngoài đồng ruộng. Dưới đây chúng tôi tập trung giới thiệu cách trồng ngoài đồng ruộng.

1- Chuẩn bị đất trồng:

a- Chọn đất: địa thế phải bằng phẳng, thông thoáng, gần nguồn nước, tưới tiêu thuận lợi, gần đường giao thông, bảo đảm độ chiếu sáng; tránh những vùng có khí Clo, Flo. Tốt nhất là chọn đất thịt nhẹ, tơi xốp và nên tránh xa đất trồng đậu để đề phòng virút. Layơn rất kỵ trồng gối, vì sẽ nhanh dẫn đến thoái hoá củ. Cây trồng trước tốt nhất là cây họ hòa thảo hoặc lúa nước.

b- Xử lý tiêu độc đất: Nếu do thiếu đất phải trồng liên tục 2 vụ thì phải xử lý tiêu độc đất. Tiêu độc bằng hoá chất có thể dùng Bromua methyl, mỗi ha dùng 100kg thuốc rắc đều vào ruộng rồi dùng nilông phủ lên trên. Hoặc dùng bột diclorua prophen 20% tiêu độc, 1ha dùng 200kg rắc đều và phủ kín trong 2 tuần bằng nilông. Cũng có thể dùng cloruacoban loại thuốc xông hơi để tiêu độc. Tiêu độc bằng phương pháp vật lý có hai cách: đốt lửa và tiêu độc bằng máy xông hơi lưu huỳnh.

2- Chọn giống trồng:

Tuỳ mục đích sử dụng của mỗi loại thương phẩm mà chọn giống khác nhau. Nếu là hoa cắt cành thì chủ yếu chọn về màu sắc, hình dạng và thời gian ra hoa. Ngoài ra, đối với hoa cắt cành còn phải chú ý chọn giống hoa mập, nhiều hoa, cuống hoa dài, cành hoa to,…Ở Việt Nam hiện có 7 màu layơn phổ biến: đỏ, phấn hồng, sen, tím, vàng, trắng và tạp sắc. Nếu trồng nhiều giống nên bố trí tỷ lệ giữa các phổ màu là: đỏ 30%, các loại khác mỗi loại khoảng 10-15% là vừa. Nếu là hoa để làm lẳng thì cần chú ý: nếu là loại chỉ dùng layơn làm lẳng thì cần giống có màu sắc, độ cao khác nhau, nếu là loại thảm gồm nhiều chủng loại hoa cần chú ý đến chọn giống có độ cao hài hoà với các loài hoa khác.

Sau khi lựa chọn được củ tốt, cần xử lý trước hết ngâm củ vào nước 40oC khoảng 10-15phút, sau đó thêm vào các loại thuốc sau: 0,4% Myamid, 1% disistan, 0,6% thuốc trừ nấm daconil ngâm trong 30phút rồi vớt ra, hong khô.

3- Phương pháp trồng:

a- Thời vụ trồng: Nhiệt độ cao và thấp đều rất bất lợi với sinh trưởng của Layơn. Vì vậy, với thời tiết nước ta nên trồng từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11 là vừa.

b- Cách trồng: chuẩn bị đất, lên luống như thường và phải chú ý rãnh trồng phải sâu hơn (15-20cm). Khoảng cách trồng tuỳ theo độ lớn của củ giống, thông thường trồng hàng đôi.

Sau khi trồng lấp đất, đất sét lấp mỏng hơn đất thịt nhẹ, vụ Xuân lấp mỏng hơn vụ Hè, trung bình trồng sâu 5-10cm.

4- Chăm sóc:

       Trừ cỏ, xới đất, bón phân, tưới nước, phun thuốc, chống đổ là những công việc cần làm để chăm sóc layơn.

a- Trừ cỏ: phải theo nguyên tắc trừ sớm, trừ cỏ còn non và trừ sạch, có thể trừ cỏ bằng tay hay bằng thuốc. Khi trừ bằng thuốc nên chú ý đối với loại đất cát pha, cần thận trọng vì thuốc ngấm nhiều vào rễ gây hại cho cây.

b- Bón phân: nên bón nhiều đợt với số lượng ít, bón lót 1ha cần 50 tấn phân chuồng hoai, 450kg super lân, 300kg ure, 150kg cloruakali. Thời kỳ cây con tốt nhất là bón vào ngày nắng, lúc đất ráo nước vào khoảng 3-4h chiều. Cũng có thể phun phân lên lá để bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ ra hoa và chống rụng. Thời kỳ phân hóa mầm hoa cần bón một đợt phân đạm, khi ra nụ và sau khi ra hoa cần bón lân và kali.

c- Tưới và tiêu nước: Lay ơn là cây không chịu được hạn, các phương pháp tưới nước cho layơn là: Tưới trên mặt chỉ thích hợp cho tưới bồn hoa, thảm hoa, diện tích nhỏ; Tưới ngấm tức dùng ống chôn ngầm dưới đất, cách này có lợi cho cây vì cấp đủ nước; Tưới nhỏ giọt là cách tưới qua lỗ nhỏ của ống dẫn nước nhỏ từng giọt xuống đất, cách này tiết kiệm được nước. Về mùa hè nên tưới vào buổi sáng sớm và chiều tối. Tất cả các giai đoạn trồng layơn đều cần tưới nước đầy đủ. Về mùa mưa cần chống úng, tháo nước kịp thời để tránh thối rễ.

d- Chống đổ: khi cây có 7 lá bắt đầu nhú hoa cần chống đổ cho cây. Dùng cây tre, gỗ buộc cố định cây. Hoặc dùng que cắm hai đầu rãnh luống, rồi dùng dây đan chằng các cây, hoặc có thể dùng lưới nilông luồn cây vào mắc lưới.

5- Thu hoạch, bảo quản củ:

Sau khi thu hoa được 40-45 ngày, khi thấy lá bắt đầu khô heo là lúc đào củ thích hợp nhất. Dùng cuốc đào xung quanh rồi nhổ củ từ từ, tránh làm đứt củ con. Sau khi nhổ lên dùng kéo cắt sát gốc cách cuống củ 0,5-1cm, không được dùng tay vặn củ làm xây sát củ, nhặt củ lớn, củ nhỏ riêng.

Xử lý củ: có thể bằng hai cách phơi khô: Hong khô ngoài trời bằng cách trải củ trên chiếu, cót,…thường xuyên đảo trộn cho đều. Hoặc hong khô trong nhà bằng cách trải trên lưới sắt, lưới nilông, mở hết cửa thông gió. Sau khi hong khô nên cắt bỏ rễ bám quanh củ nhằm tăng hiệu quả bảo quản.

Bảo quản củ: có nhiều cách, có thể bảo quản bình thường trong thời gian khoảng 7 tháng, để nơi thoáng gió, khô ráo, nhiệt độ tốt nhất từ 1-50C; bảo quản trên giàn bằng cách dùng hợp kim nhôm làm giàn cách mặt đất 60cm, cứ 30cm thành một tầng và đặt củ lên; bảo quản trên khay bằng gỗ ván dài 70cm, rộng 50cm, cao 10cm, mỗi khay đựng được 15-20kg củ; bảo quản trong túi nilông mỗi bao khoảng 30kg củ rồi đặt lên giá đỡ.

Đối với các vùng nóng thường trồng layơn vào mùa thu đến cuối tháng 3 thu hoạch. Củ layơn trong điều kiện tự nhiên ngủ nghỉ khoảng 6 tháng, vì vậy nếu bảo quản không tốt tỷ lệ hư hao sẽ rất lớn. Vì vậy, khi bảo quản cần phải chọn củ to chắc, không có vết sâu bệnh, bầm dập, khay chứa củ phải để trong kho lạnh, cách mặt đất 30cm. Trong quá trình bảo quản thường xuyên kiểm tra, theo dõi chặt chẽ để phát hiện củ thối và nhặt riêng ra.

Trên đây là một số kỹ thuật nhằm giúp bà con trồng hoa layơn đạt hiệu quả cao, mong bà con sớm tiếp cận được kiến thức, vận dụng vào thực tiễn để có được vụ mùa bội thu hoa layơn.

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN

Số lần xem trang: 2428
Điều chỉnh lần cuối:

Kỹ thuật trồng hoa cảnh

Một số chú ý khi bứng và vận chuyển cây (12-03-2009)

Kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành (28-04-2008)

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng (25-04-2008)

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa phong lan (23-04-2008)

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba hai không ba

Xem trả lời của bạn !

logolink