BM Cảnh Quan Hoa Viên ĐH Nông Lâm TP.HCM
 

 

 

Dự án tôn tạo khu di tích Cổ Loa được Nhà nước coi là một trong số ít công trình Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một công trình phải xong trước năm 2009, nhưng theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban quản lý khu di tích Cổ Loa thì  'Đề án chờ phê duyệt vẫn đang nằm ở UBND TP Hà Nội, nếu không gấp rút, dự án này không chỉ chậm trong năm nay mà rất có thể còn chậm nhiều năm nữa. Khó khăn lớn nhất của Ban quản lý khu di tích là việc phê duyệt quy hoạch công trình, cắm các mốc giới. Nếu không xác định được mốc giới, không đủ cơ sở pháp lý để làm bất cứ điều gì'.

 

 Bản đồ khu vực Cổ Loa

Ông Thắng cho biết, TP hiện vẫn chưa xác định được ranh giới khu vực 1 (khu vực bất khả xâm hại) của thành cổ để cắm mốc, giao quyền quản lý cho Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa thuộc Ban quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội. Trong quý III này, chương trình của Thành phố Hà Nội là hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu thầu và khởi công dự án xây dựng hạ tầng kiến trúc khu vực, hoàn thiện và quy hoạch tổng thể di tích. Nhưng hiện đã đến quý IV của năm mà việc 'hoàn thiện và quy hoạch tổng thể' kia vẫn còn mù mờ. 'Tôi chẳng thấy nói gì cả' - ông Đỗ Phương Bão, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết.

Với hàng triệu mét khối đất đá, kiểu cách xây dựng độc đáo, thành Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) là một công trình sáng tạo to lớn của nhân dân Âu Lạc, là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Cổ Loa đã từng là kinh đô của nước Việt hơn 22 thế kỷ trước, là tượng trưng duy nhất của kinh đô Nhà nước Âu Lạc, được xếp là một trong 20 khu du lịch văn hóa trọng điểm cả nước về du lịch

Nhà nước Việt Nam đã coi đây là một khu di tích có tầm quan trọng quốc gia. Do đó, năm 1994, UBND thành phố Hà Nội quyết định chuyển giao công tác quản lý khu di tích từ huyện Đông Anh cho Ban quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội, đúng với 'tầm' của Cổ Loa.

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt phương án tiền khả thi khu di tích Cổ Loa theo nguyên tắc bảo vệ nguyên trạng, có kế hoạch bảo tồn, trùng tu các hạng mục với tổng kinh phí đầu tư 196 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng ba phương án quy hoạch thống biển báo, di tích, miếu thờ liên quan đến Cổ Loa. Vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, bằng nguồn vốn của thành phố, Cổ Loa cũng lại được đầu tư 2,2 tỷ đồng trùng tu chùa, làm mới đình với số vốn gần 9 tỷ đồng, sân đình 1,6 tỷ đồng và một số hạng mục khác.

Công trình tôn tạo khu di tích Cổ Loa thuộc kế hoạch của UBND TP. Hà Nội từ năm 2001 đến 2009, trên diện tích 484 ha với 32 hạng mục công trình. Dự toán kinh phí cho việc bảo tồn và tôn tạo khu di tích là hơn 300 tỷ đồng.

Các công trình tôn tạo lớn gồm: dựng sa bàn tổng thể di tích Cổ Loa tỷ lệ 1/500, xây dựng tượng đài An Dương Vương và Ngô Quyền, xây dựng công viên văn hoá lịch sử ở vườn Thuyền Ao Mắm, xây dựng thành Cổ Loa thu nhỏ tỷ lệ 1/25 trong công viên văn hoá - lịch sử với diện tích khoảng 1.600 m2. 

Dự án tiền khả thi bảo tồn, tôn tạo toàn bộ quần thể di tích Cổ Loa sẽ tiêu tốn khoảng hơn 300 tỷ đồng. Chưa bao giờ kinh đô đầu tiên của nền văn minh Việt lại được đầu tư lớn như vậy. Tuy nhiên, qua bao nhiêu cuộc hội thảo, nghiên cứu, bàn cãi mà hàng loạt các tiểu dự án trong dự án tổng thể chưa lập được dự án chi tiết. Sau 5 năm, quy hoạch các mốc giới vẫn chưa được phê duyệt.  

Trong một báo cáo mới đây, Thành uỷ Hà Nội cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân chính để Dự án tôn tạo Khu di tích Cổ Loa bị chậm tiến độ là do chủ đầu tư chưa tập trung vào công trình. Năng lực quản lý, điều hành kém, nhân lực cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Dân lấn thành

Di tích Cổ Loa có nhiều nhà dân ở trên thành, trong thành và cả ở trong khu vực 'cấm thành' (vòng thành thứ nhất), nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch đền bù di chuyển để quản lý, trùng tu. Các đường thành qua năm tháng bị cây cối xâm hại, nhà dân lấn chiếm, mưa nắng xói mòn chỉ còn là những gò đất không hình thù. 'Cách đây khoảng vài chục năm nó còn là ba vòng, nhưng bây giờ phát huy hết trí tưởng tượng cũng khó để nhận ra dấu tích... hai vòng thành còn lại' - Ông Đỗ Phương Bão - Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết.

Theo ông Bão, hiện trong và trên vòng thành 1 còn 47 hộ, trên diện tích 1,5ha; 56 hộ trên 131ha vòng thành 2 và 175 hộ trên 98,75 ha vòng thành 3. Nhiều hộ dân vẫn sống trên 4,2ha đất xâm canh (liên quan đến thành), những xóm dân cư nằm trên các vòng thành cũ vẫn tiếp tục lan rộng vì thiếu sự quản lý bảo vệ. 

'Thành Cổ Loa không đễn nỗi khó nhận diện lắm nếu bây giờ tiến hành được một số công việc đơn giản hơn, chẳng hạn giải toả một số nhà dân trên mặt thành. Nhưng chắc hẳn sẽ rất khó bởi vì chính ngôi nhà UBND xã ngự ở đấy đã là sự phá vỡ cảnh quan. Di dân, thành tự nhiên sẽ lộ ra ngay chứ việc gì phải đắp, đấy là tôi chưa nói đến tính xác thực của lịch sử - TS. Nguyễn Hồng Kiên - Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích TW khẳng định.

Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, đất Cổ Loa hẹp, ruộng không nhiều, đất canh tác bình quân đầu người rất ít, dân lại đông, nghề phụ không có. Chuyện di dân không đơn giản. Trước đây hơn chục năm, chính quyền địa phương được lệnh chuyển dân ra khỏi khu vực sau đền Thượng. Đến khi thực hiện cưỡng chế, dân bất bình, viết đơn kiến nghị phản đối khắp nơi. Thế rồi chính quyền phải... xin lỗi và bồi thường.

Đền Thượng

'Tân cổ giao duyên'

Trước khi có dự án này, đã có vài ba công trình nâng cấp tu bổ nhỏ. Nhưng theo các nhà chuyên môn, việc tu bổ đã để lại nhiều nét 'tân cổ giao duyên' bất hợp lý. Nhà Tiền tế đình Mạch Tràng được... lát gạch hoa, cột và mái đổ bê tông. Đình Ngự triều Di Quy được sửa lại sàn cho đúng kiểu đời Lê, đình và chùa Mạch Tràng được làm mới... cũng chỉ là những cách thay đổi phụ tùng trong bộ máy Cổ Loa, chứ hiện trạng vẫn bị hư hại nặng nề. Ở thành Ngoài, nhiều đoạn thành bị phá (đặc biệt là phía nam và phía đông), bị san lấp để làm đường sắt. Sông Hoàng chỉ còn một đoạn vừa hẹp vừa nông.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phản đối: Đừng vắt chanh, vắt sữa Cổ Loa. Nhìn Cổ Loa theo con mắt khai thác, du lịch hoá là sai lầm!.

Tiến sĩ Lại Văn Tới (Viện Khảo cổ học) phát biểu: Nhà dân trên mặt thành cần phải giải toả và phục hồi những gì họ làm sập, sụt. Bản thân chuyện này nếu làm tốt đã quá lớn, quá thành công rồi. Chứ đắp lại thành thì theo kiểu nào, hình thù nào? Đó có phải là thành của An Dương Vương cách đây 2.300 năm không? Dù vòng thành bị đứt khúc, đứt đoạn cũng không cần nối liền mà hãy để chúng tự gợi ra suy nghĩ, phỏng đoán, như thế rất có ích cho việc mở ra các tìm tòi phát kiến khoa học.

Đến bây giờ, hậu thế vẫn chưa biết thành Cổ Loa đã được đắp và sẽ được đắp như thế nào. Những đoạn thành còn lại hiện đang bị xâm chiếm và lở lói. Những đoạn không còn thì mới chỉ được nghiên cứu qua ảnh, vệ tinh hoặc đo vẽ...

Gần 15.000m tường Thành Cổ Loa  có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Đông Tây chưa hề có. 

Tương truyền Thành có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6-12m, chân rộng từ 20-30m, chu vi 1.650m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3-4m (có chỗ tới hơn 8m). Phía ngoài thành này có hào bao bọc bốn phía. Riêng phía nam không có hào vì con sông Hoàng chảy qua đây. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành.

Thành Cổ Loa không những là tượng trưng cho kinh đô nhà nước Âu Lạc mà nó còn đóng vai trò nhân chứng lịch sử cho những cuộc dịch chuyển kinh thành của đất nước. Hiện ở đây còn tồn tại 11 giếng cổ và ba đình đại, hàng chục điếm cổ.

(Hồng Phúc - VASC Orient)

 

 

 

 

 

 

 

Số lần xem trang: 2518
Điều chỉnh lần cuối: 07-04-2008

Kiến Trúc

Kiến trúc thiền viện trúc lâm Tây Phương - Kiến trúc của tự nhiên, tâm linh và triết lý (22-04-2008)

Diện mạo mới cho cửa ngõ phía Nam (07-04-2008)

Phong thủy trong kiến trúc hiện đại (27-03-2008)

Địa chỉ để truy cập các trang về Kiến trúc (17-01-2008)

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bảy bốn sáu một chín

Xem trả lời của bạn !

logolink